Về miền thờ Mẫu Tây Thiên

Quảng cáo
Hỗ trợ trực tuyến
  • Hotline 1: 0989 32 32 69

  • Phòng vé
    0975 11 22 67
  • Điều Hành 1

    Mr.Chiến
    0988 11 22 67
  • Điều Hành 2

    Mr.Thành
    0939 32 32 69
  • Tel:
    04 36577285
  • TƯ VẤN:
    0975 11 22 67
Fanpage facebook
Bình luận mới nhất
    Chưa có bình luận mới
Lượt truy cập
  • Hôm nay 524
  • Tổng lượt truy cập 1,440,361
Tag Cloud
Tỷ giá vàng

Tỷ giá ngoại tệ

Về miền thờ Mẫu Tây Thiên

Một trong những điểm du lịch tâm linh được nhiều người Việt đến du xuân sau Tết là khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Dương (nay là Tam Đảo), tỉnh Vĩnh Phúc. Tên gọi Tây Thiên do vùng đất này nằm ở phương chính Tây của Kinh đô Việt xưa, thờ Quốc mẫu Năng Thị Tiêu thời Vua Hùng.

Hành hương nơi thờ Mẫu


Vĩnh Phúc vốn được coi là một trong những trung tâm hội tụ và lan tỏa của tục thờ Mẫu, điển hình là thờ Quốc mẫu Tây Thiên xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước. Tục thờ Quốc mẫu Tây Thiên không chỉ làm nên sự đa dạng văn hóa của Vĩnh Phúc mà các địa điểm thờ Quốc mẫu Tây Thiên còn tạo ra sự phát triển đa dạng, đầy tiềm năng cho ngành du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.

Người dân địa phương chuẩn bị lễ.


Bước vào khu di tích, du khách bắt gặp cây đa chín cội ngả bóng mát xuống Hữu Huyền Cung (nhân dân vẫn quen gọi là đền Thõng). Phía sau là dòng suối Giải Oan (còn gọi là Bát Nhã Tuyền). Ngược lên phía trên là Thác Bạc - dòng nước thơm của núi rừng Tây Thiên, với độ cao hơn 40 m nước đổ xuống trắng xoá như dát bạc, chảy ra hợp lưu với suối vàng ở Hồ Sen rồi chảy ra khe Giải Oan. Đi ngược tiếp lên, du khách tới Đầm Sen, Ao Dứa, núi Rùng Rình, nơi đây còn lưu giữ một hệ động thực vật rất có giá trị. Từ đây, du khách đi bộ ngược lên khoảng 3 km nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, đúc toàn bằng đồng tốt. Trong chùa thờ hai tượng Phật, cho tới nay niên đại và lai lịch về hai pho tượng này vẫn là một bí ẩn mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra lời giải.

Đền thờ Quốc mẫu Năng Thị Tiêu thời Vua Hùng.


Theo nhiều tài liệu tín ngưỡng thờ Quốc mẫu, Tây Thiên vốn có nguồn gốc sâu xa là thờ nhiên thần (“Thanh Sơn đại vương” tức thần núi Tam Đảo). Theo thời gian, thần đã được nhân hóa và nữ tính hóa thành một vị nữ thần và tăng quyền thành một nhân vật thời huyền sử, mang lý lịch trần gian với danh hiệu là Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ 7. Theo truyền thuyết, Quốc mẫu Tây Thiên có tên thật là Năng Thị Tiêu, sinh ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Dương. Khi còn sống, trong nước có loạn giặc Thục, bà có công chiêu mộ binh sĩ, giúp Vương cứu nước, cứu dân. Khi mất bà lại thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước, nên được truy phong làm Quốc mẫu.


Tục thờ mẫu có rất nhiều tại các làng xã của Vĩnh Phúc, theo Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 di tích thờ Quốc mẫu Tây Thiên. Riêng xã Đại Đình có tới 5 điểm thờ vị Quốc mẫu linh thiêng này. Bên cạnh thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, các đình, đền ở Tây Thiên còn thờ Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn (các vị thần cai quản trời, đất, núi rừng) và các ông hoàng, bà chúa. Để tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15/2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc mẫu phù hộ cho bình an, may mắn.


Ngoạn cảnh đầu xuân


Khu danh thắng Tây Thiên rộng khoảng 150 ha, nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú. Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi. Hệ động vật Tây Thiên cũng khá phong phú, có 4 lớp, 26 bộ, 86 họ và 281 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm như rùa vàng, gà lôi trắng, voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, cá cóc Tam Đảo… Sự đa dạng sinh học cùng với hệ thống các đình chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ khiến Tây Thiên có sức hấp dẫn lớn với khách du lịch và các nhà nghiên cứu.

 

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.


Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiểu lục" đã nói về Tây Thiên: "… bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa".


Không chỉ thờ Mẫu, Tây Thiên gắn liền với cửa Phật, ngay từ chính tên gọi địa danh. Đây chính là miền đất Phật theo dân gian. Tương truyền từ xa xưa, ngài Khương Tăng Hội, một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật. Chính vì vậy, trên con đường về khu danh thắng Tây Thiên, du khách thường ghé qua Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

 

Tọa lạc trên quả đồi rộng khoảng 4,5 ha, nằm trên độ cao khoảng 300 m so với mực nước biển, công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Phía sau chùa là núi rừng xanh tươi, trước là một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Theo một số tài liệu còn lưu lại, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền của một thiền tự cổ (Thiên Ân Thiền Tự) có từ thế kỷ 3. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có tòa Chánh điện cao 17 m, diện tích 673,2 m2, 4 trụ đỡ có đường kính gần 1 m, ở giữa là 3 tượng Phật lớn, bên trái là nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Trong Thiền viện này đáng chú ý còn có pho tượng Phật bằng đá hoa cương cao 49 m. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên sau khi khánh thành vào năm 2005 trở thành điểm dừng chân ngoạn cảnh trong hành trình về khu danh thắng Tây Thiên.

 

Hòa thượng trụ trì Tây Thiên đang giới thiệu về Phật pháp cho đoàn khảo sát Tổng cục Du lịch Việt Nam.


Theo Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên, du khách đến đây không chỉ vào mùa lễ hội mà quanh năm. Ngay sau Tết, Tây Thiên đã đón hàng vạn lượt khách và con số này dự định sẽ tăng hơn nữa trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội. Ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hướng tới năm du lịch quốc gia vùng đồng bằng sông Hồng 2013, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên đầu tư về hạ tầng cho khu danh thắng Tây Thiên, trong đó phải kể đến hệ thống cáp treo Tây Thiên vừa hoàn thành năm qua. Cùng với dự án xây dựng khu du lịch Tam Đảo II và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, hệ thống các đền, chùa, khu danh thắng Tây Thiên hứa hẹn trở thành điểm du lịch tâm linh “đến với Phật, về với Mẫu”.


Tây Thiên từ lâu đã trở thành một khu di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị nhiều mặt. Nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích kiến trúc, vừa có phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình, giàu tiềm năng văn hóa đang được đầu tư hạ tầng du lịch và quảng bá xúc tiến để thu hút khách. Trong năm du lịch quốc gia vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát động tuần văn hóa du lịch của tỉnh tại khu danh thắng Tây Thiên để mở rộng quảng bá, hút khách. Thực tế, sau chuyến khảo sát của Tổng cục Du lịch tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước vào cuối năm 2012, hiện một số công ty lữ hành đã mở tour tuyến đến khu danh thắng Tây Thiên, nối trục Hà Nội - khu du lịch Đại Lải - Tam Đảo - Tây Thiên.

 

Bài và ảnh:Yên Định - Xuân Minh (Báo Tin tức)

Bình luận từ Facebook

Phản hồi